• VIE

Hà Giang và những lễ hội truyền thống độc đáo

Hà Giang

Thời gian

Đăng ngày 26/10/2022

Danh mục

Hà Giang và những lễ hội truyền thống độc đáo

Hà Giang mảnh đất thiêng nơi địa đầu Tổ quốc là nơi sinh sống của 22 đồng bào dân tộc anh em, vì thế nơi đây mang trong mình rất nhiều những nét đẹp văn hoá và sở hữu rất nhiều những lễ hội truyền thống vô cùng độc đáo có thể kể đến như lễ hội Lồng Tồng, lễ hội Gầu Tào hay lễ hội Múa lửa,.. hãy cùng Hương Anh Tourist trải nghiệm sự náo nhiệt, muôn màu náo nhiệt của những sự kiện đó, một hình ảnh khá tương phản so với sự bình yên vốn có của núi rừng nơi nhé.

1.Chợ tình Khâu Vai

Là phiên chợ đã có tuổi đời gần 100 năm và chỉ họp mỗi năm một lần vào ngày 27 tháng 3 âm lịch. Chợ tình Khâu Vai còn có tên gọi khác là chợ tình Phong Lưu, khu chợ nằm ở xã Khâu Vai, huyện Mèo Vạc.

Chợ tình khâu vai

Lễ hội đặc biệt nổi tiếng của đồng bào dân tộc Mông

Phiên chơ là nơi những đôi nam nữ tới để gặp nhau, là nơi để những cặp đôi vì những lý do nào đó mà không đến được với nhau gặp gỡ, tâm sự và cùng nhau ôn lại những kỷ niệm xưa. Không hề tồn tại sự ghen tuông ở nơi đây, họ coi đó là sự thiêng liêng, trách nhiệm đối với đời sống tinh thần của nhau. Cũng có rất nhiều những đôi nam nữ trẻ tuổi đã đến nên duyên vợ chồng từ những phiên chợ như thế này. Cũng như đa phần các lễ hội khác, lễ hội chợ tình Khâu Vai thường sẽ được tổ chức chia làm 2 phần:

Phần Lễ: Già làng cùng đại diện chính quyền dâng hương bắt đầu lễ hội, dâng lễ lên miếu Ông, miếu Bà để cảm ơn công lao khai khẩn đất Khâu Vai của người xưa và tôn vinh tình yêu trong sáng lứa đôi.

chợ tình Khâu Vai

Là thời điểm để các đôi nam nữ vì một lý do nào đó mà không tới được với nhau có thể gặp gỡ và ôn lại những kỷ niệm đẹp khi xưa

Phần Hội: Hoạt động ca hát, văn hóa thể thao truyền thống cho trai gái tham gia.

2. Lễ hội Lồng Tồng

Là một lễ hội nổi tiếng không chỉ ở Hà Giang mà còn là cả khu vực phía Bắc, Lồng Tồng là lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc Tày, Nùng được tổ chức vào tháng Giêng hàng năm, khi mùa xuân tới, thời điểm cây cối, đất trời thay màu áo mới, lễ hội được tổ chức với mong muốn cầu cho một năm mưa thuận gió hoà, cuộc sống yên ấm, đủ đầy.

Lễ hội lồng tồng

Lễ hội Lồng tồng hay còn gọi là Hội xuống đồng, Oóc tồng là một trong những lễ hội nổi tiếng của đồng bào dân tộc Tày và cũng là nét văn hóa đặc trưng của tộc người Nùng, Dao, Sán Chỉ.

Đến với đây, bạn sẽ được chiêm ngưỡng các nghi thức cúng lễ trang nghiêm của các thầy cúng cùng các phong tục cầu thần Nông, thần Núi,… độc đáo, mang nét đặc trưng của người dân miền núi. Ngoài ra, những tiết mục văn nghệ đặc sắc như hát then truyền thống, hát cọi của các cặp đôi trai gái được chuẩn bị kỹ lưỡng, đem đến cho du khách những màn trình diễn ấn tượng và còn có rất nhiều trò chơi hấp dẫn khác như thi cày ruộng, kéo co, đẩy gậy, ném còn,… thu hút đông đảo người chơi đặc biệt các du khách cũng có thể tự mình trải nghiệm tại lễ hội khai xuân hà giang này.

3. Lễ hội nhảy lửa

Là lễ hội của đồng bào dân tộc Pà Thẻn được tổ chức vào thời điểm khi mùa đông vừa tới, lửa từ xa xưa đã đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống tâm linh con người. Lửa vừa là thần bảo hộ, vừa là nỗi khiếp sợ. Đối với người Pà Thẻn, Lửa là vị thần tối cao nhất, bảo vệ họ bình an, may mắn. Lễ hội nhảy lửa như một phần của sức mạnh tinh thần, lửa tượng trưng cho sự ấm áp, họ cảm ơn thần đã cho mùa màng vừa qua bội thu và cầu thần phù hộ cho họ thịnh vượng, cầu sức khỏe, xua đuổi tà ma, bệnh tật.

Lễ hội nhảy lửa

Một trong những lễ hội vô cùng đặc sắc của đồng bào các dân tộc ở tỉnh Hà Giang

Trong lễ hội Hà Giang này, lễ vật bày lên thần của người Pà Thẻn chỉ là đồ cúng tượng trưng cây nhà lá vườn, nơi tổ chức tục nhảy lửa chỉ là một bãi đất rộng, nhạc cụ của thầy cúng cũng là đồ tự chế, nhưng quan trọng nhất là bài cúng mời thần về. Thầy cúng phải tụng bài cúng suốt 5 – 7 tiếng, để mời thần linh về, ban sức mạnh cho thanh niên trong làng – những “nghệ nhân nhảy lửa” – giúp họ nhảy trên đống than hồng cháy rực mà không bỏng rát, không đau đớn, không cháy quần áo, như được “nhập đồng” vậy. Đây cũng chính là điểm ma mị huyền bí, thu hút khách tour du lịch Hà Giang đến thôn My Bắc, xã Tân Bắc, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang.

4. Lễ hội cầu mưa của người Lô Lô

Lễ cầu mưa không phải năm nào cũng tổ chức mà phụ thuộc vào thời tiết, nếu trời khô hạn, khắc nghiệt, cây không có nước, báo hiệu một mùa thất bát thì người dân trong vùng tập trung lại, mời người cao tuổi có uy tín trong bản làm chủ lễ. Trước đây, những nhà giàu trong bản đứng ra chịu toàn bộ chi phí cho buổi lễ. Nhưng ngày nay, để tổ chức lễ cầu mưa cho mưa xuống để cây cối được tốt tươi, mỗi nhà đều góp một lễ vật tùy thuộc vào kinh tế gia đình như con gà, con chó, người thì cân gạo nếp, gạo tẻ, chai rượu, nải chuối… mang đến nhà thấy cúng hoặc nhà Trưởng bản.

lễ hội cầu mưa

Lễ hội cầu mưa của người Lô Lô

Thủ tục xin làm lễ cũng khá đơn giản, bao gồm một chén nước, hương và giấy trúc – một loại giấy chuyên dung vào việc cúng tế của người Lô Lô. Trước tiên, thầy cúng thắp hương tại bàn thờ gia tiên, sau đó đặt giấy trúc, chén nước xuống một góc nhà và khấn xin. Sau đó thầy cúng bọc tờ giấy trúc lên chén nước, nếu nước trong chén bị thấm hoặc đổ ra ngoài thì việc xin phép mới linh nghiệm và lễ cầu mưa mới thành công. Cuối cùng, thầy cúng đốt tờ giấy trúc, thủ tục xin làm lễ hoàn tất.

5. Lễ hội Gầu Tào

Đây là lễ hội truyền thống đặc sắc, thu hút người dân địa phương và du khách tour du lịch Hà Giang, như một nét đẹp văn hóa của đồng bào H’Mông ở Hà Giang nói riêng và các vùng Tây Bắc nói chung.

lễ hội gùa tào

Phần lễ cầu cho năm mới nhiều may mắn, mưa thuận gió hòa, vụ mùa bội thu; phần hội là những trò chơi mang tính cộng đồng, thể hiện sự gắn bó, đoàn kết của đồng bào dân tộc Mông

Lễ hội được diễn ra trong khoảng mùng Một đến ngày Rằm tháng Giêng. Nếu 3 năm liền đều tổ chức thì mỗi năm tổ chức 3 ngày. Còn nếu gộp 3 năm 1 lần thì tổ chức trong 9 ngày.

Lễ hội Gầu Tào được tổ chức để tạ ơn trời đất, thần linh, thổ địa đã phù hộ cho người dân khỏe mạnh, cầu phúc, cầu lộc cho mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no. Phần hội là dịp để mọi người gặp gỡ du xuân, vui chơi ca hát giao duyên bên những chén rượu đầu xuân.

6. Lễ hội cầu Trăng

Mặt Trăng là biểu tượng của sự yên ấm, cuộc sống ấm no đủ đầy, là nét đẹp truyền thống Hà Giang. Vì thế, cứ đến ngày Rằm Tháng 8 âm lịch hàng năm, người dân nơi đây đều tổ chức lễ hội này với ý nghĩa đón Mẹ Trăng cùng các nàng tin xuống vui Tết Trung thu và ban phước lành cho dân bản cùng một mùa màng bội thu, cuộc sống yên ấm, thuận hòa.

Khi đến với lễ hội cầu trăng – lễ hội truyền thống Hà Giang độc đáo, bạn không chỉ được thưởng thức các làn điệu dân ca, các trò chơi dân gian để được trở về tuổi thơ hay các câu hát then, hát cọi đi sâu vào lòng người mà bạn còn được “phá cỗ” cùng người dân bằng các món ẩm thực vô cùng hấp dẫn.

ĐỌC THÊM: PHỐ CỔ ĐỒNG VĂN, MỘT GÓC RÊU PHONG NƠI CAO NGUYÊN HÀ GIANG