Là huyện miền núi nằm ở phía Tây của Hà Giang, Hoàng Su Phì có cảnh quan thiên nhiên phải nói là tuyệt đẹp với những cánh rừng nguyên sinh rộng lớn, những thửa ruộng bậc thang đẹp như tranh vẽ, và rất nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử được xếp hạng quốc gia. Hoàng Su Phì chính là điểm đến không thể bỏ qua khi tới du lịch Hà Giang. Hãy cùng Hương Anh Tourist khám phá nơi đây nhé.
Đôi nét về Hoàng Su Phì
Trước khi đất nước thống nhất, Hoàng Su Phì là vùng đất thuộc tỉnh Tuyên Quang, kể từ sau năm 1975 vùng đất này được cắt về trực thuộc địa giới hành chính của tỉnh Hà Giang. Hiện tại, huyện Hoàng Su Phì có là nơi sinh sống của của 12 dân tộc anh em, trong đó chiếm đa số là đồng bào các dân tộc Nùng. Mông, Tày, Dao và La Chí.
Hoàng Su Phì (Hà Giang) được nhắc đến với ruộng bậc thang đẹp bậc nhất Việt Nam với màu vàng phủ khắp núi đồi mỗi khi mùa lúa chín về
Địa hình của Hoàng Su Phì nằm trên thượng nguồn Sông Chảy chủ yếu là đồi núi có độ dốc lớn và bị chia cắt bởi nhiều con suối. Đây là nơi định cư lâu đời của người dân thuộc 12 dân tộc, trong đó người Nùng, Dao, Tày, Mông, La Chí chiếm đa số. Do nằm trên cung đường nối liền các vùng phía Đông và Tây Bắc, cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ cùng các nét văn hóa độc đáo được cộng đồng người dân ở đây bảo tồn và lưu giữ nên du lịch Hoàng Su Phì có rất nhiều tiềm năng để phát triển, nhất là du lịch sinh thái cộng đồng.
Nhờ những bàn tay lao động chăm chỉ qua nhiều thế hệ đã tạo nên một kiệt tác
Cách thức di chuyển tới Hoàng Su Phì
Với khoảng cách xấp xỉ 90km từ Hà Giang, để di chuyển tới Hoàng Su Phì du khách có thể lựa chọn phương án đi xe máy với quãng thời gian khoảng 3 tiếng đồng hồ, đây là loại phương tiện di chuyển mà du khách có thể cảm nhận toàn bộ vẻ đẹp của nơi đây trên từng cung đường. Du khách có thể lựa chọn đi theo theo hướng QL2 đến Tân Quang rồi rẽ vào đường DT177 hoặc đi lên của khẩu Thanh Thuỷ rồi qua Tây Côn Lĩnh sau đó đến Hoàng Su Phì.
Du lịch Hoàng Su Phì mùa nào đẹp
Là huyện vùng cao, địa hình chia cắt mạnh nên nơi đây có nhiều tiểu vùng khí hậu, thổ nhưỡng và cảnh quan thiên nhiên khác nhau. Vì vậy khi đến du lịch Hoàng Su Phì, các bạn có thể tham khảo và lựa chọn các chuyến du lịch cho phù hợp. Mùa xuân là thời điểm các lễ hội độc đáo được tổ chức. Dịp này cũng là mùa chụp ảnh các vườn đào, lê, đồi chè.
Những cánh đồng lúa chín vàng óng làm say đắm bất cứ ai tới thăm nơi đây
Khoảng từ giữa tháng 4 đến tháng 6 là mùa cấy lúa. Đến Hoàng Su Phì dịp này sẽ được chiêm ngưỡng thắng cảnh ruộng bậc thang trong mùa nước đổ. Từ giữa tháng 9 hàng năm là bắt đầu vào mùa lúa chín các tỉnh miền núi phía Bắc nói chung và ruộng bậc thang Hoàng Su Phì nói riêng. Tầm này đi Hoàng Su Phì là thích nhất, tha hồ chụp ảnh ruộng bậc thang trải dài ngút ngàn trên các sườn núi.
Cuối năm, khi bước sang mùa đông miền Bắc. Nếu không ngại cái lạnh, các bạn có thể lên khám phá Tây Côn Lĩnh, Chiêu Lầu Thi để săn mây, săn tuyết.
Những địa điểm đẹp nhất ở Hoàng Su Phì
Ruộng bậc thang Bản Phùng
Nằm gần khu vực nằm gần biên giới với Trung Quốc, để tới địa điểm này bạn cần men theo con đường đèo dài gần 30km. Đây là một thung lũng rộng lớn, tại Bản Phùng còn có rất nhiều cánh đồng ruộng bậc thang nằm cheo leo trên sườn núi dốc. Cùng với Bản Luốc, đây là nơi có những thửa ruộng bậc thang cao nhất Việt Nam.
Ruộng bậc thang bản Phùng
Ruộng bậc thang Hồ Thầu
Hồ Thầu là một xã của Hoàng Su Phì, cách ngã 3 xã Nậm Dịch khoảng 16km. Ruộng bậc thang ở Hồ Thầu của người dân tộc Dao đỏ. Người dân ở đây có có lệ, cứ mỗi khoảng ruộng chừa ra một khoảng rừng nhỏ vây quanh để giữ đất khỏi bị sạt lở. Việc khai ruộng được tiến hành từ trên cao xuống thấp với những công cụ lao động giản đơn như cuốc chim, bừa gỗ, xẻng, dao quắm. Ruộng bậc thang Hồ Thầu mênh mông, cao ngút tầm mắt với những ngọn đồi làm ruộng có độ rộng lớn, đều và ít dốc.
Dù chẳng nổi tiếng như các xã khác ở Hoàng Su Phì nhưng Hồ Thầu vẫn có một vẻ đẹp dung dị và gần gũi khiến cho du khách đắm say.
Ruộng bậc thang Thông Nguyên
Nằm ở tả ngạn, nơi hội tụ dòng chảy của 3 con suối lớn: Phìn Hồ đổ xuống, Nậm Ông chảy về và Nậm Khòa dội sang cùng đổ vào một chỗ tạo thành một bình nguyên ngay trên lưng chừng núi. Nhiều người nhận xét rằng, Thông Nguyên là nơi “Quần Sơn – Tụ Thủy”. Thông Nguyên là một trong những địa điểm ngắm ruộng bậc thang tuyệt đẹp ở Hoàng Su Phì, đoạn đẹp nhất các bạn có thể dừng lại chụp ảnh là khoảng km24 đường từ Bắc Quang đi Hoàng Su Phì.
Cứ đến mùa lúa chín vào cuối tháng 9, đầu tháng 10, ruộng bậc thang Hoàng Su Phì (Hà Giang) trùng trùng điệp điệp nhuộm vàng cả vùng đẹp ngỡ ngàng khó có thể rời mắt.
Ruộng bậc thang Nậm Ty
Cùng nằm trên km 24 đường Bắc Quang, ruộng bậc thang Nậm Ty cũng của người Dao đỏ và là một trong các địa điểm được công nhận Di tích Quốc gia ruộng bậc thang của Hoàng Su Phì.
Tây Côn Lĩnh
Tây Côn Lĩnh là một đỉnh núi trên khối núi thượng nguồn sông Chảy ở phía tây tỉnh Hà Giang, dãy núi Tây Côn Lĩnh trải dải trên hai huyện Hoàng Su Phì và Vị Xuyên, cách thị xã nơi này 46 km. Với độ cao 2419 m, đây là đỉnh cao nhất vùng Đông Bắc Việt Nam và là một trong những đỉnh núi cao nhất Việt Nam. Trên đỉnh núi có mốc trắc địa. Dưới chân núi là rừng nguyên sinh á nhiệt đới còn được bảo tồn. Tây Côn Lĩnh được coi là dãy núi thiêng của người dân tộc La Chí.
Tây Côn Lĩnh là một đỉnh núi trên khối núi thượng nguồn sông Chảy ở phía tây tỉnh Hà Giang, dãy núi Tây Côn Lĩnh trải dải trên hai huyện Hoàng Su Phì và Vị Xuyên
Chợ phiên Hoàng Su Phì
Nằm dưới chân đỉnh Tây Côn Lĩnh hùng vĩ, chợ phiên Hoàng Su Phì họp vào ngày Chủ nhật hàng tuần. Hàng hóa trao đổi là những vật phẩm trong sinh hoạt hàng ngày như rau quả, vải vóc, chỉ thêu, vật dụng làm nương rẫy…
Ước tính đã tồn tại hơn 200 năm dưới chân dãy Tây Côn Lĩnh hùng vĩ, Chợ phiên Hoàng Su Phì là một trong số ít những phiên chợ vùng cao vẫn còn giữ được nét văn hóa ban sơ thuở đầu.
Không sầm uất như chợ dưới xuôi, việc trao đổi mua bán ở đây diễn ra khá đơn giản để nhanh chóng nhường chỗ cho phần giao lưu tinh thần. Dăm ba quả trứng, vài chai mật ong, mấy trái su su… đổi lấy túi mì chính, quả pin, cái ô, ít chỉ khâu… nhưng chợ phiên vùng cao lại thấm đậm tình người, bởi đến chợ chỉ là cái cớ để trai gái được gặp nhau, được ngắm nhìn, được khoe những bộ váy áo đẹp nhất.
Khu mộ cổ của dân tộc La Chí
Hiện nay, trên các sườn núi thuộc địa bàn xã Bản Phùng, Bản Máy và xã Bản Díu huyện Xín Mần hiện vẫn tồn tại hàng trăm ngôi mộ cổ nằm rải rác theo một đường vòng cung trong một khu vực hàng ngàn km2 theo sườn núi với kích cỡ mỗi ngôi cao khoảng 1,5 mét, rộng từ 15 – 25 mét vuông, cá biệt có ngôi có chu vi hơn 70m, cao trên 6m, trải qua hàng trăm năm, những ngôi mộ này vẫn không hề bị mưa nắng mài mòn. Tương truyền, đây là những ngôi mộ giả của Hoàng Vần Thùng (Tức Hoàng Văn Đồng) là một Thổ tù người địa phương trong thời Nguyễn. Đồn Pố Lũng
Đồn Pố Lũng thị trấn Vinh Quang hay còn gọi là Bốt Pháp – theo cách gọi của người dân địa phương được người Pháp xây dựng từ những năm cuối thế kỷ XIX. Đây là quần thể kiến trúc quân sự gồm hầm hào, lô cốt, sân bay liên hoàn trên một ngọn đồi phía đông thị trấn Vinh Quang.
Các món ăn đặc sản của Hoàng Su Phì
Cốm nếp: Đến với nơi nhất định bạn phải thử món cốm nếp này của người La Chí, đây là món ăn có hương vị thơm ngon, quyến rũ được đồng bào dân tộc nơi đây dùng để thiết đãi khách tới chơi nhà.
Thịt trâu gác bếp: Là món ăn rất đặc trưng của đồng bào các dân tộc phía Bắc, đây là món ăn khá phù hợp để ăn trong mùa đông. Bên cạnh đó thì thịt dê, thắng cố hay các loại mơ mận ở nơi đây cũng khá tươi ngon.
Hoàng Su Phì rất đáng để cho bạn chinh phục và khám phá. Với những thông tin bài viết chia sẻ, bạn hoàn toàn có thể tự tin xách ba lô và lên đường. Chắc chắn bạn sẽ có một chuyến đi đáng nhớ và thật nhiều kỷ niệm với mảnh đất này.
ĐỌC THÊM: KHÁM PHÁ CAO NGUYÊN ĐÁ ĐỒNG VĂN – CÔNG VIÊN ĐỊA CHẤT TOÀN CẦU